Hát trống quân

Xã Dạ Trạch: Bảo tồn nghệ thuật hát Trống quân qua trường học

(30/3/2020 08:04 UTC+7)
Hát Trống quân xưa phổ biến rộng rãi khắp vùng trong tỉnh Hưng Yên, tập trung nhiều nhất phải kể đến các huyện như: Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Văn Giang.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị của môn nghệ thuật này, trong những năm gần đây, xã Dạ Trạch (Khoái Châu) đã có cách làm sáng tạo là đưa hát Trống quân vào môi trường học đường.

Được sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục- Đào tạo, Trung tâm Văn hóa- Thể thao- Du lịch huyện Khoái Châu, bắt đầu từ năm học 2011- 2012, xã Dạ Trạch đã phối hợp với các trường tiểu học và trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn xã đưa hát Trống quân vào dạy chính khóa. Những thành viên trong câu lạc bộ (CLB) Trống quân Dạ Trạch do ông Nguyễn Hữu Bổn làm chủ nhiệm chính là những “hạt nhân” truyền dạy môn nghệ thuật này cho thế hệ trẻ. Ngoài những tiết học văn hóa bình thường, các trường bố trí mỗi tuần 2 tiết để các thành viên trong CLB (trong đó có 7 nghệ nhân hát Trống quân) thay nhau đến dạy các bài hát Trống quân cho khoảng 400 học sinh từ lớp 4- lớp 9 của trường tiểu học và THCS Dạ Trạch. Đến nay, các thành viên trong CLB đã dạy được khoảng 100 bài hát Trống quân cho học sinh của hai trường. Vì hát Trống quân chủ yếu là hát giao duyên nên khi đưa vào trường học ông Bổn đã sáng tác, biên soạn hẳn một giáo án có nhiều canh hát với các tựa đề: “Hát về Hưng Yên”, “Họa Trời”, “Họa Đất”, “Họa hoa”, “Họa quả”, “Hát chào”, “Đố Kiều”… có lời hát gần gũi, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi học trò. Nội dung các bài hát về tình cảm gia đình, tình bạn, tình thầy trò, vẻ đẹp quê hương, đất nước, khuyên răn các em học tập tốt… Đặc biệt, còn có những bài hát kể lại truyền thuyết, ca ngợi thiên tình sử và những giá trị nhân văn cao đẹp của Chử Đồng Tử- Tiên Dung – gắn liền với khu di tích đền Hóa Dạ Trạch có tại địa phương. Các nhà trường từ bậc tiểu học đến THCS ở xã đã gắn việc gìn giữ hát Trống quân với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động ngoại khóa hàng tuần, hàng tháng. Khi đưa hát Trống quân vào trường học, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát Trống quân trong đời sống nông nghiệp của cha ông từ bao đời nay. Không những thế, vào những ngày lễ lớn, địa phương và các nhà trường thường tổ chức cho học sinh tập luyện và biểu diễn những làn điệu hát Trống quân, mang đến cho không gian học đường màu sắc vui tươi, ấm áp và giàu truyền thống. Nhờ đó, khi học ở trường, các em học sinh đã có những “vốn liếng” nhất định về hát Trống quân.

Tại trường Tiểu học Dạ Trạch, cứ một tuần hai buổi, cô và trò lại say sưa với các làn điệu Trống quân. Các “nghệ sĩ nhí” mới chỉ học đến lớp 4, lớp 5 của trường với trống con trên tay, và giọng ca mượt mà, mê đắm lòng người được các em học sinh hát trong giờ học âm nhạc có thể khiến khán giả bất ngờ thú vị như đang xem một buổi biểu diễn nghệ thuật Trống quân chuyên nghiệp.
 

 

“…Dưới đất có núi, có sông
Chứa chất trong lòng vàng, bạc, kim cương
Có người sinh sống muôn phương
Kinh, Tày, Nùng, Mán, Thổ, Mường, Thái, Dao
Bán buôn, thêu, dệt, vó, câu
Gieo trồng ngô lúa muôn màu tốt tươi…”
                                                                 (Trích trong bài hát Trống quân “Họa Đất”)
 

 

Những khuôn mặt rạng rỡ, hào hứng, những đôi tay mềm dẻo theo nhịp trống của làn điệu, các em học sinh như đang hòa mình để cảm nhận những giá trị văn hóa truyền thống. Em Nguyễn Thị Linh Trang, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Dạ Trạch nói: “Từ nhỏ, mỗi khi có dịp được nghe các cụ trong làng hát Trống quân em đã rất yêu các làn điệu Trống quân quê mình, giờ em được học trong trường lại được tham gia biểu diễn em cảm thấy vui và say mê với môn nghệ thuật này”. 

 

 

Các em học sinh trường THCS Dạ Trạch say mê làn điệu
hát Trống quân
 

 

Không chỉ riêng Linh Trang, mà hầu hết học sinh và các thầy, cô giáo trong trường, ai cũng yêu thích đặc biệt với nghệ thuật truyền thống hát Trống quân. Cô Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng trường THCS Dạ Trạch cho biết: “Từ năm học 2010- 2011 nhà trường đã phối hợp với UBND xã và CLB Trống quân Dạ Trạch để sắp xếp, đưa vào truyền dạy cho các em học sinh trong trường nghệ thuật hát Trống quân trong những tiết học chính khóa, ngoại khóa. Những tiết học âm nhạc với làn điệu sôi nổi, ấm áp này không chỉ là thời gian để các em giải trí sau những giờ học văn hóa mà còn giúp các em thêm hiểu, thêm yêu nét văn hóa truyền thống của quê hương. Bằng tâm huyết, lòng say mê với nghệ thuật của quê hương, chúng tôi mong muốn Trống quân sẽ như sợi dây nối gần nghệ thuật truyền thống với tâm hồn các em”.

Ông Nguyễn Hữu Bổn, nghệ nhân hát Trống quân, Chủ nhiệm CLB Trống quân Dạ Trạch cho biết: "Trước nguy cơ nghệ thuật truyền thống hát Trống quân có thể bị mai một do những người biết hát đều ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, chúng tôi chọn cách bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa này bằng việc đưa vào các nhà trường để truyền dạy cho giáo viên và học sinh. Việc tổ chức dạy hát Trống quân trong nhà trường đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của ngành giáo dục, phụ huynh học sinh và các tổ chức khác trên địa bàn. Tuy nhiên việc đưa vào truyền dạy trong trường học cũng gặp không ít khó khăn do hiện tại, một bộ phận không nhỏ học sinh hầu như chỉ quan tâm đến nhạc trẻ mà ít quan tâm đến các làn điệu truyền thống; trình độ, khả năng sư phạm của một số thành viên trong CLB còn hạn chế vì chưa qua bất cứ một trường lớp đào tạo chính quy nào; cơ sở vật chất, nhạc cụ, thiết bị âm thanh chưa đáp ứng được các hoạt động truyền dạy và tổ chức biểu diễn; kinh phí để tổ chức các lớp học, trả công cho người truyền dạy hát Trống quân không có mà chủ yếu các thành viên trong CLB dạy bằng tâm huyết, lòng yêu nghề, mến trẻ...”.

Không chỉ đưa hát Trống quân vào trường học, CLB Trống quân Dạ Trạch còn truyền dạy cho học sinh, giáo viên trường Phục hồi chức năng Khoái Châu, phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện Khoái Châu mở lớp tập huấn hạt nhân hát Trống quân cho 20 người trong huyện. Ngoài ra, câu lạc bộ còn đi truyền dạy cho một số CLB khác như: CLB người cao tuổi thôn Phủ Đình, xã Thắng Lợi, CLB văn nghệ xã Liên Nghĩa (Văn Giang); CLB văn nghệ thôn Bãi Sậy, xã Tân Dân, đội văn nghệ thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, đội văn nghệ thôn Xuân Đình, xã Hàm Tử (Khoái Châu)…

Ông Lê Quang Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao- Du lịch huyện Khoái Châu cho biết: “Hiện nay, lớp người biết hát Trống quân ngày càng ít nên việc khôi phục nét văn hóa truyền thống này gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc truyền dạy hát Trống quân vào các trường học ở xã Dạ Trạch mang lại những đổi mới nhất định trong phương pháp dạy và học, khuyến khích học sinh hiểu và trải nghiệm các giá trị văn hóa trước hết là các nét văn hóa xung quanh nhà trường, địa phương.

Và không chỉ có môn nghệ thuật hát Trống quân mà trong tháng 9.2013 vừa qua, UBND huyện cũng đã có văn bản gửi tới Trung tâm Văn hóa- Thể thao- Du lịch huyện, Phòng Giáo dục- Đào tạo, UBND xã Dạ Trạch về việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật hát Trống quân, Ca trù, hát Ru, hát Xẩm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân về sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ và phát triển các làn điệu truyền thống (trong đó có Trống quân), xây dựng đội ngũ truyền dạy hát, tổ chức các cuộc liên hoan văn nghệ, giao lưu, tập huấn… tạo sân chơi cho các CLB ca cổ, giúp cho văn hóa truyền thống đến gần hơn, thấm sâu vào tâm hồn thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.


Theo http://dangcongsan.vn/