Đền hóa Dạ trạch

Hội đền Hóa Dạ Trạch

(24/3/2020 16:42 UTC+7)
(Văn Hiến) - Cách Hà Nội non 20km, theo đường chim bay, về phía nam, nằm ven dòng sông Hồng là xã Dạ Trạch, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngược dòng lịch sử, ngày xưa, vùng đất thuộc Chu Diên, đời Lý, đất Chu Diên gọi là Châu Khoái, đời Trần, gọi là Lộ Khoái.

Năm 1289, vua Trần Nhân Tông đem đất này cho tướng quân Nguyễn Khoái làm thang mộc ấp [1]. Đời nhà Lê, đầu niên hiệu Quang Thuận, vùng Dạ Trạch, đất Khoái Châu thuộc Thiên Trường Thừa tuyên. Đến niên hiệu Hồng Đức, đổi thành Sơn Nam Thừa tuyên. Khi đất Sơn Nam được chia thành hai lộ, nơi đây thuộc thượng lộ. Nhà Nguyễn Tây Sơn đổi Sơn Nam thượng lộ thành trấn Sơn Nam. Năm 1831, nhà Nguyễn đặt tỉnh Hưng Yên, thì Dạ Trạch thuộc huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu của tỉnh này. Nhìn lại sự thay đổi ranh giới địa lý, để thấy vùng đất Dạ Trạch có lịch sử lâu đời. Dù ranh giới có thay đổi theo từng bước đi của lịch sử, làng Yên Vĩnh, tức xã Dạ Trạch hôm nay, vẫn là vùng đất ghi dấu anh linh của tiền nhân.

Vào thế kỷ thứ VI, Dạ Trạch "chu vi không biết là bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có thớ đất cao có thể ở được, chung quanh bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống bằng sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối mà vào, lỡ sa xuống nước thì bị rắn cắn chết. Quang Phục thuộc rõ đường lối, mới đem hơn hai vạn người vào đóng trong nền đất chằm, ban ngày thì tuyệt không để lộ khói lửa dấu người, ban đêm thì dùng thuyền độc mộc ra đánh Bá Tiên - tức tướng nhà Lương, giết và bắt được rất nhiều, lấy được lương thực, làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên theo hút mà đánh nhưng không đánh được. Người trong nước gọi là Dạ Trạch Vương" (Đại Việt sử ký toàn thư). Như thế, vùng đất Dạ Trạch là vùng đất gắn bó với người anh hùng đánh giặc Lương: Triệu Quang Phục. Là căn cứ của nghĩa quân, bởi địa thế hiểm trở, nhưng còn một nguyên cớ nữa là lòng người. Nếu người dân thuở ấy không ủng hộ nghĩa quân, cuộc chiến khó lòng mà đạt được chiến thắng.

JPEG - 37.7 kb

Rồi đến phong trào Cần Vương chống Pháp, cụ Đổng Quế cũng lấy ngôi đền làm trụ sở để tuyển mộ nghĩa quân.

Mặt khác, Dạ Trạch còn là vùng đất của người dân khai phá. Những giọt mồ hôi của con người đã biến vùng đất hoang vu thành ruộng bãi tốt tươi. Đại Nam nhất thống chí chép: "Chằm Nhất Dạ ở địa phận các xã thuộc các tổng Mễ Sở, Khóa Nhu, Bình Dân, Yên Vĩnh, Yên Cảnh, Yên Lịch, Đại Quan vùng Đông Kết, nay thành ruộng sâu, trong địa bạ đều chép là xứ Dạ Trạch".

Hơn hết, Dạ Trạch là vùng đất gắn liền với thiên tình sử đẹp nhất của văn chương dân gian Việt Nam. Không hiểu sao, lịch sử trôi chảy lại chọn Dạ Trạch làm nơi lắng đọng một truyền thuyết, qua thời gian, vẫn làm xao xuyến, thổn thức con người bao thế hệ[2].

Cả truyền thuyết cũng như các dị bản đều nhằm vẽ lên chân dung một con người, một vị thánh. Trong tâm thức dân gian, Việt Nam có 27 vị thần sinh ra hay đã từng sinh sống trên đất nước ta. Lại cũng trong số ấy có bốn vị được suy tôn thành Tứ Bất Tử là :
- Đức Thánh Tản
- Chử Đạo Tổ
- Đức Thánh Gióng
- Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Trong số ấy, Chử Đồng Tử là người, sinh ra ở một gia đình lao động. Bình sinh, Chử Đồng Tử cùng cha chăm chỉ nghề mò cua bắt cá, sống vui vầy với sông nước. Với cha, chàng là một người con hiếu thảo. Sau thành chồng của công chúa Tiên Dung, chàng làm ăn buôn bán để sinh sống. Học đạo, rồi truyền đạo cho vợ, ngài cùng nhị vị phu nhân đi các nơi cứu nhân độ thế. Với đất nước, ngài linh hiển đúng lúc, giúp những anh tài của đất nước đánh thắng giặc ngoại xâm. Vì thế, Chử Đồng Tử là biểu tượng của một cộng đồng, với những khát vọng nhân bản. Cuộc chinh phục đầm lầy cần có và đã xuất hiện những anh hùng văn hóa của cộng đồng, kết tinh những ước mơ của người dân khai phá đầm lầy, biến hoang vu thành màu xanh tươi tốt. Hơn nữa, Chử Đồng Tử còn là người đi tiên phong trong việc mở mang buôn bán với nước ngoài. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, nhân vật đầu tiên tạo ra sự giao lưu giữa dân tộc và cộng đồng bên ngoài là Chử Đồng Tử.

Lắng đọng trong tâm thức bao thế hệ con người như mật ngọt nơi đầu môi lại là thiên tình sử diễm lệ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Mối tình không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo mãi mãi là tấm gương sáng, là khát vọng nhân bản của con người. Dòng chảy của truyền thuyết khi định vị ở vùng Khoái Châu có thêm những tình tiết mới, vẫn không làm phai nhạt vị ngọt ngào của thiên tình sử ấy.

Vì thế, từ chàng trai nghèo đánh cá, Chử Đồng Tử trở thành vị thánh bất tử trong tâm thức dân gian Việt Nam.

Tại Dạ Trạch, đền được xây dựng khi nào, khó mà đoán định được niên đại. Thần phả do Nguyễn Bính soạn vào đầu thế kỷ XVI ghi rằng, sau khi Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân về trời, Hùng Tuệ (Duệ ?) vương, xa giá tới tận bờ đầm, xem xét sự tình, cảm động đã xuống chiếu cho dân lập đền ở đây cũng như nhiều nơi khác. Lĩnh Nam chính quái, tác phẩm tương truyền được viết trong khoảng thế kỷ XIII-XIV, ghi rằng, sau khi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân về trời thì “dân lập đền thờ, bốn mùa cúng tế gọi chằm là chằm Nhất Dạ”. Thế kỷ thứ VI, khi Triệu Quang Phục cầu đảo, phải chăng đã có đền thờ? ! Thế kỷ XV, theo truyền thuyết Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến nơi này cầu mộng, chắc chắn rằng ở đây đã có miếu (đền) thờ. Qui mô vật liệu xây cất đền không có tài liệu nào ghi chép, nên khó xác định. Truyện Trạng Lợn ghi rằng, sau khi biết người giúp mình thành đạt là Chử Đồng Tử, Trạng Lợn đã tâu lên vua Lê Thánh Tông sự việc, vua đã ban tiền cho ông để sửa sang đền thờ Chử Đồng Tử. Các tác giả của Hội Tao Đàn thế kỷ XVI, khi làm thơ vịnh Chử Đồng Tử cũng khẳng định khi ấy đã có miếu thờ: Anh linh miếu dõi lừng hương khói.

Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn khi chép về các đền miếu của tỉnh Hưng Yên có đoạn: “Đền Dạ Trạch ở huyện Đông Yên... Đền Chư linh thần ở huyện Đông Yên thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa...”.

Như thế, lịch sử biến thiên theo từng bước đi nhưng đền thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân vẫn được duy trì cho tới nay đã mấy ngàn năm. Nhà nước ta đã công nhận đền Dạ Trạch là di tích lịch sử văn hóa năm 1989.

JPEG - 43.4 kb

Ngôi đền với kiến trúc như hiện tại là được trùng tu vào năm 1890, hướng của đền quay về phía đông. Từ ngoài đường ngự, khách hành hương sẽ thấy lầu chuông. Lầu có một chiếc chuông được đúc từ năm Thành Thái thứ 14 (1902), mang tên Dạ Trạch từ chung (chuông đền Dạ Trạch), chuông dài 1,5m, rộng 0,8m, ngoài ra còn có hai bia dựng đối diện với nhau, một bia đã vỡ. Bia có niên đại từ năm Gia Long thứ 17 (1819). Bia làm bằng tảng đá lớn, mài nhẵn, bia cao 1,6m, rộng 0,8m, dày 0,17m. Kế tiếp là hai dãy nhà chín gian, xưa để chín chiếc kiệu. Trước đền có hồ hình bán nguyệt, nước trong xanh không bao giờ cạn. Ngày trước, nơi góc hồ là hai cây đại tươi tốt. Giữa hồ có hai ụ đất lớn, đó là mộ hai ông thần đồng. Truyền thuyết kể rằng: Xưa kia ở trên thiên đình có hai ông thần đồng. Theo lệ, mỗi khi nghe tiếng trống ở dưới trần gian vọng lên thì hai ông biết đó là dấu hiệu không tốt đối với mùa màng. Hai ông xuống trần gian giúp dân để trừ hạn hán, lụt lội hay sâu rầy. Một lần nghe tiếng trống, hai ông đang bận việc trên thiên đình nên không xuống ngay được. Khi tới nơi, mùa màng đã bị thiệt hại nặng nề. Hối hận, hai ông ở lại trần gian biến thành hai mô đất lớn. Hai mô đất còn đến ngày nay, trên có hai cây xương tiêu. Qua hồ bán nguyệt là sân đền. Trước đây, mỗi khi làng mở hội, người dân mới bắc cầu gỗ (hay tre) để vào sân đền, nay dân làng đã xây chiếc cầu bằng bê tông. Hai bên cửa là hai tượng đức ông đứng canh. Ngày xưa muốn vào đền, phải leo 19 bậc. Khi đê Văn Giang vỡ 18 năm liền đất phù sa lấp đi 15 bậc, chỉ còn lại 4 bậc. Đền được xây theo kiểu chữ công (I), có ba tòa lộng lẫy. Trên mái đền tạc những hình long phượng chạm trổ tinh vi, rất đẹp. Gian ngoài cùng, nơi cửa vào là bàn thờ, trên có một bài thơ của Chu Mạnh Trinh. áp vào các xà những bức đại tự :
- Nam thiên tứ vị (Bốn vị thần trời Nam)
- Hải thướng tam thần (Ba vị thần về trời tại biển này)
- Sở quá giả hoá (Tự làm quá đi, phải hóa thành cái khác)
- Âm dương hợp củng (Âm dương cùng hòa hợp)
- Danh cao thiên cổ (Danh cao thiên cổ)
- Uất thông giai khí (Khí đọng lại, dần tăng lên)

Nơi tòa thứ hai là một ban thờ các quan. Tòa thứ ba là phần chuôi vồ, trên mái là vòm cuốn tam cấp với những hình thuyền hẳn là gợi nhớ hình ảnh của một thời vị thánh sống bằng nghề sông nước. Giữa gian là ban thờ công đồng. Gian hậu cung, bên phải từ ngoài vào là ban thờ thổ công miếu đình, tượng quan võ, bên trái từ ngoài vào là một con cá chép bằng gỗ sơn son thếp vàng óng ánh. Đó là Bế ngư thuyền quan, mà người dân quen gọi là ông Bế. Hai con ngựa, một đỏ, một trắng cũng đặt trong gian này. Tương truyền, đó là hai con ngựa mà đức Thánh và nhị vị phu nhân đã cưỡi khi đi chữa bệnh cho muôn dân. Sát gian này còn một gian thờ Phật mới được phối tự gần đây.

Nơi hậu cung bên phải là ban thờ các vị thân sinh của đức Chử Đồng Tử, bên trái là ban thờ Triệu Việt Vương. Trước đây, cách đền này chừng một trăm mét về phía tây là miếu thờ người anh hùng họ Triệu, sau miếu hư hỏng, người dân phối tự lại đền này. Chính giữa hậu cung là ba bài vị, ba pho tượng thờ Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân.

Nhìn ở điện thần, nét riêng của đền Dạ Trạch là sự xuất hiện của ông Bế. Tín ngưỡng thờ cá nguyên thủy của cư dân chinh phục đầm lầy còn lại với hình tượng ông Bế. Nét độc đáo của nghệ thuật kiến trúc thể hiện ở những chiếc kiệu sơn son thếp vàng. Bàn tay tài hoa của người thợ đã chạm trổ những chiếc kiệu đẹp đẽ, tinh xảo để phụng thờ các vị thánh trong hàng Tứ bất tử.

Tín ngưỡng thờ cúng vị thánh trong hàng Tứ bất tử của người dân nơi ngài hóa, vùng Dạ Trạch, vùng Khoái Châu thể hiện qua những điều kiêng kỵ. Người ta không dám gọi Tiên Dung, mà gọi chệnh ra là Tơn Dong, không gọi Bế mà gọi ẵm, kiêng kỵ việc úp nón lên gậy, cán cuốc hay cành cây. Ai đó lỡ ra làm như vậy sẽ bị coi là chế nhạo thần, sẽ bị thần phạt.

Mặt khác, các ngày lễ tại đây là dấu vết của tín ngưỡng thờ cúng này. Tại đền Hóa Trạch, việc thờ cúng được tiến hành với các ngày:
- 4/tháng giêng ngày sinh của công chúa Tiên Dung
- Lễ hội chính mở vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch.
- 12/8 ngày sinh Chử Đồng Tử
- 17/11 ngày cả ba vị bay về trời.

Mỗi ngày lễ ấy có một bản văn tế riêng, nhưng nghi thức thì giống nhau. Đặc sắc nhất là lễ hội để tưởng nhớ đức Thánh và nhị vị phu nhân tổ chức vào tháng 2 âm lịch. Chính lễ hội này tàng ẩn nhiều nét văn hóa của cư dân nông nghiệp.

Vào ngày hội, nơi này thật tưng bừng náo nhiệt. Khách tứ phương kéo về nườm nượp xung quanh khu đền. Mở đầu là nghi lễ rước nước, tức là lấy nước ở sông Hồng về đền. Đi đầu đám rước là con rồng vàng lộng lẫy uy nghi, uốn lượn theo nhịp trống phách dồn dập. Dẫn đầu đoàn người rước kiệu là hai hàng các bà các cô trong làng mặc những chiếc áo xiêm áo dài đủ màu sắc. Trên chiếc kiệu đầu tiên đặt chiếc gậy, nón úp trên đầu gậy. Tất cả các biểu tượng gợi nhớ uy linh của thánh được trang trí rực rỡ. Sau đó là bát bửu, chấp kích, kiệu thánh. Ba cặp con đĩ đánh bồng đi sau vừa đánh trống, vừa múa rất dẻo. Đoàn người đi rước nước sẽ đi qua đầm Dạ Trạch, qua đê, ra bãi để xuống sông Hồng. Bên kia sông, trên bãi Tự Nhiên, nơi dấu vết còn lại của Thánh cùng nhị vị phu nhân sau khi hóa, đầy cờ xí rợp trời. Hàng vạn người chờ đợi như tưởng nhớ lại phút giây giông tố, bão bùng để cả tòa thành, người ngựa bay về trời. Cả rồng và đoàn người đi rước nước đều xuống thuyền để ra giữa dòng sông lấy nước. Bên kia sông, con rồng của xã Tự Nhiên cũng bắt đầu xuống nước. Sông nước mênh mông, cờ xí rợp trời, rồng bay lượn nơi bến sông, đón chào những chóe nước trong sạnh như mối tình của hai người hiếm có thuở xưa. Những gáo nước được múc giữa dòng đem đựng vào những cái chóe có nắp đậy. Đoàn thuyền của xã Dạ Trạch, xã Tự Nhiên cùng cập bến, trong tiếng trống giòn giã, bập bùng, tiếng mái chèo cắt nước khẩn trương, tiếng pháo nổ ran, mùi hương trầm thơm thoảng trong lòng gió, với sự hồ hởi, náo nức của người đi dự hội.

Tới đền, lễ dâng hương được cử hành trước ban thờ lớn. Đi đầu là một cụ ông đẹp lão, một cụ bà cao tuổi cùng các cô đội mâm nhang đèn oản quả vào dâng thánh. Sau đó, nhóm các bà hệ trong những chiếc áo dài bằng vải thâm biết tụng niệm kinh Phật, thuộc kinh đều đồng thanh hát bài "Quang minh tu đức", "Nam mô Chử Đồng Tử tiên ông chí đức đại thiên tiên ngọc bệ hạ". Tiếp đó là múa sinh tiền do các em gái chừng 13, 14 tuổi thực hiện. Người dân trong vùng gọi điệu múa này là múa tiên hay múa cánh tiên. Bởi lẽ, người múa trang phục sắc màu rực rỡ, trên vai mỗi em vắt một chiếc khăn lụa dài có tua ở hai đầu. Khi các em múa, dải lụa lượn lờ như hình cánh tiên. Cô tiên đi đầu đặt trên hai vai hai bầu nước và đầu đội một đĩa trầu cau, trong tiếng nhạc sinh tiền rộn rã.

Xung quanh đền, quanh hồ nước hình bán nguyệt, quanh gác chuông là những trò chơi dân gian: nào chọi gà, nào bắt vịt, múa gậy, múa sư tử, múa con đĩ đánh bồng v.v...

Ngày hôm sau, một hồi trống rộn rã thúc giục mọi người cùng tham gia đám rước phát du, nghĩa là rước thánh đi du ngoạn nơi cảnh cũ. Đám rước được bắt đầu từ đền. Bao giờ con rồng cũng múa lượn, dẫn đầu đám rước, rồi đến cờ, trống, bát âm, sinh tiền, long đình, nhang án, ngựa, chấp kích, bốn cô huyền lư[3] , rồi đến kiệu ông, bát bửu, kiệu bà Tiên Dung, bát bửu và kiệu bà Hồng Vân. Đám rước đi tới làng Đông Kim, quê hương bà thứ, rồi vòng qua những bờ ngô, bãi mía xanh tươi, vòng qua khu đầm Nhất Dạ, dừng lại nơi lâu đài thành quách cũ của vợ chồng Tiên Dung. Dưới đáy đầm nước trong vắt, mọi người nhìn rõ cả tóc tiên dập dờn trong sóng nước. Các cụ già cao tuổi trong làng kể rằng đó là tóc nàng công chúa Tiên Dung. Khi về trời, nàng vẫn còn lưu luyến cảnh cũ, nên đã gởi lại món tóc của mình.

Ngày thứ ba của lễ hội, người dẫn vẫn tiếp tục mang hương hoa, oản quả vào đền lễ thánh, và để được nhận lộc thánh.

Diễn biến của lễ hội theo trình tự như trên, chứng tỏ có khá nhiều lớp văn hóa đã lắng đọng trong lễ hội. Mở hội là để dân làng tưởng nhớ vị thánh bất tử cùng nhị vị phu nhân, nhưng thực chất là để tưởng nhớ một anh hùng văn hóa, một ân nhân của làng quê, để ngưỡng mộ một thiên tình sử diễm lệ. Thực chất đường dây tín ngưỡng để qui tụ các hành động hội của lễ hội này chính ở phương diện ấy. Có thể có sự đan xen hòa nhập của đạo Lão, đạo Nho trong truyền thuyết về vị thánh bất tử, nhưng người dân mở hội để tưởng nhớ tổ tiên, người đã có công lao với người dân trong vùng, với nước nhà. Âu đó cũng là một nét ứng xử văn hóa của người hôm nay với người đi trước, cũng là đường dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ. Niềm cộng cảm cộng đồng được tái hiện trong một không gian rộng lớn: khu vực đền, sông nước, đầm Nhất Dạ, bãi cát dài dặc, các làng lân cận, với những nghi thức cổ sơ. Những hành động hội ban đầu có lẽ là sự cầu nước của cư dân nông nghiệp. Điệu múa rồng với hình ảnh con rồng uốn lượn dẫn đầu đám rước cũng là một biểu tượng của nước, thần nước, bóng dáng đã bị khúc xạ của tục cầu mưa thời xa xưa. Khác với nhiều lễ hội dân gian của các làng quê trên đất nước Việt Nam, lễ hội Dạ Trạch vừa muốn phản ánh câu chuyện tình say đắm, thơ mộng, kỳ lạ trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam, vừa muốn tưởng nhớ công đức của Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân. Diễn biến của hội, vừa gắn bó với truyền thuyết, vừa mang dấu vết quen thuộc của hội làng. Lễ hội Dạ Trạch vừa có cái chung, nhưng lại có cái riêng khó lẫn. Cũng khó mà phân biệt được rành mạch đâu là lớp văn hóa gắn với câu chuyện tình diễm lệ, đâu là lớp văn hóa cổ xưa của cư dân nông nghiệp tàng ẩn trong trò diễn. Là hội làng nhưng lại là hội để tưởng nhớ một mối tình say đắm, một anh hùng văn hóa, diễn ra trong mùa xuân, với những dấu vết nơi cõi trần rất thực mà rất ảo, rất thiêng. Sức hấp dẫn của lễ hội Dạ Trạch chính ở phương diện ấy. Vượt ra ngoài ranh giới của làng, lễ hội Dạ Trạch trở thành nơi thu hút khách thập phương. Ai chả mong mình có dịp sống lại niềm cộng cảm cộng đồng của người xưa, chả mong mình được sống những phút giây thần tiên của khát vọng nhân bản, ẩn chứa trong mình những biểu tượng đẹp đẽ vĩnh hằng của tình yêu thơ mộng, phóng khoáng, với niềm ngưỡng mộ của các thế hệ sau đối với một vị thánh bất tử, lễ hội Dạ Trạch sẽ còn sức sống mãnh liệt với thời gian, trong tâm linh người dân Việt.

 

Theo Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam